Kiểm tra xử lý sạt lở đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây, tỉnh Long An

Tuyến đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây đoạn qua xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An (đoạn từ cống Kỳ Son đến Bến phà Bình Tịnh) hiện trạng đang bị sạt lở với chiều rộng từ 5 m đến 12 m (tùy đoạn), dài khoảng 80m, chiều sâu sạt lở từ 3 – 6 m và đang có dấu hiệu tiếp tục sạt lở thêm.

​Ngày 14/5/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp địa phương thành lập đoàn kiểm tra, xử lý sạt lở tuyến đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây – huyện Châu Thành. Qua kiểm tra đoàn đánh giá khả năng tại vị trí sạt lở sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng sạt lở thêm đến phần mái của tuyến đê và có xu hướng sạt lở nặng hơn trước đó.

Hinh anh.bmp

 Đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây đoạn qua địa bàn huyện Châu Thành có chiều dài khoảng 6,5 km, chiều rộng mặt đê 5m, là tuyến đê chủ lực phục vụ ngăn xâm nhập mặn vào các tháng mùa khô hàng năm, chống ngập, úng do triều cường bảo vệ khoảng 13.300 dân và phục vụ khoảng 4.356 hecta đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Để xử lý vấn đề sạt lở nêu trên nhằm đảm bảo ổn định cho công trình phục vụ giao thông cũng như bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân đang sinh sống cặp theo tuyến đê, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã xin chủ trương và được UBND tỉnh thống nhất cho triển khai xử lý sạt lở theo hồ sơ thiết kế sơ bộ mà đơn vị tư vấn đã đề xuất (Thống nhất, trước mắt cho xử lý đóng 02 hàng cừ dừa, xen vào giữa cừ tràm, trải và cuốn vải địa kỹ thuật, đắp bao tải đất gia cố bờ sông) với tổng kinh phí 400 triệu đồng sử dụng từ nguồn kinh phí dự phòng công trình.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho các hộ dân sống gần khu vực sạt lở và thuận lợi trong quá trình thi công xử lý sạt lở, Đoàn kiểm tra đã đề nghị địa phương sớm vận động người dân tháo dỡ và di dời hàng rào, vật kiến trúc vào phía bên trong đồng từ 4 – 5m; Đồng thời, triển khai việc lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm, làm rào chắn xung quanh vị trí sạt lở, ban đêm phải treo đèn,… để cảnh báo cũng như đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực.

Vị trí đoạn sạt lở thuộc đoạn sông cong, bị ảnh hưởng bởi tác động dòng chảy, thiếu hụt phù sa bồi đắp, địa chất nền yếu, phương tiện thủy có trọng tải lớn lưu thông với mật độ dày, Vì thế, về phương án xử lý lâu dài để đảm bảo ổn định cho tuyến đê cần phải thực hiện di dời khoảng 500m đoạn đê bao vào phía trong đồng khoảng 50 m. Đoàn kiểm tra đã đề nghị đơn vị tư vấn thiết kế kiểm tra, tính toán và dự trù kinh phí đồng thời phối hợp với địa phương xác định vị trí, phương án tuyến đê cần di dời./.

                                                                   Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *